Ngày 15/9/2009, Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội thảo quốc tế về chính sách và các giải pháp tiết kiệm năng lượng của Việt Nam và Trung Quốc”.
Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của hai nước và những dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã và đang trở thành vấn đề không chỉ của riêng quốc gia nào. Nhận biết rõ tầm quan trọng của vấn đề năng lượng đối với phát triển kinh tế, Chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế bền vững gắn với an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến chương trình TKNL quốc gia hướng tới mục tiêu sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả. Ông Phương Hoàng Kim - Phó Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện từ năm 2006-2015, chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn I (2006-2010) là giai đoạn triển khai tích cực toàn bộ nội dung chương trình; Giai đoạn II (2010-2015) là giai đoạn triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội dung chương trình, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả đạt được trong giai đoạn I. Việt Nam đánh giá rất cao những thành tích mà Trung Quốc đạt được và mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc với Việt Nam”.
Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương cho biết: “Việt Nam có tiềm năng TKNL rất lớn ở một số ngành như công nghiệp xi măng (50%); công nghiệp gốm (35%); phát điện than (25%); dệt, may mặc (30%)… Mục tiêu cụ thể của Việt Nam là phấn đấu tiết kiệm từ 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010 và từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011-2015”.
Điều quan trọng nhất trong bộ luật về TKNL của Trung Quốc là đưa công tác TKNL vào quốc sách cơ bản. Theo đó, bộ luật này quy định rõ rằng: “Tiết kiệm tài nguyên là quốc sách cơ bản của Trung Quốc. Nhà nước thực hiện đồng thời tiết kiệm và phát triển, đặt tiết kiệm lên hàng đầu trong chiến lược phát triển năng lượng”. Đối với TKNL trong công nghiệp, Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách cấm xây dựng mới các tổ máy phát điện dùng nhiệt than và dầu diezel, than đốt không phù hợp với quy định của nhà nước; Ưu tiên các tổ máy phát điện tiêu hao năng lượng thấp, hiệu quả làm sạch cao… Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thực hiện hạn chế các ngành nghề hao năng lượng và ô nhiễm cao; Phát triển các ngành nghề TKNL, bảo vệ môi trường. Chính sách TKNL của Trung Quốc khi đi vào thực hiện trong các đơn vị đã được vận dụng từ những quy định nhỏ nhất như điều hoà nhiệt độ chỉ được để thấp nhất là 26oC… Đồng thời, để khuyến khích các đơn vị có thành tích trong công tác TKNL, Nhà nước sẽ có chế độ thưởng, khuyến khích kịp thời. Ví dụ như mỗi một tấn than tiết kiệm được, DN sẽ được thưởng từ 100-250 NDT…
Là DN có 5 năm kinh nghiệm hợp tác đầu tư với Việt Nam, bà Tất Diệm, đại diện Công ty Quốc Chính Côn Minh cho biết: “Ngành xi măng của Việt Nam rất có tiềm năng phát triển nhưng lại đang bị ảnh hưởng bởi điện năng không ổn định. Cho nên, chúng tôi đã đầu tư vào các dự án hợp tác về TKNL trong ngành xi măng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành các dự án mới đối với ngành thép”. Bà đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển những dự án TKNL và việc hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được tiến hành trên cơ sở chuyển giao khoa học kỹ thuật và những kinh nghiệm mà DN hai nước đã có. Ông Lý Kế Tấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thế kỷ Nguyên Bắc khẳng định: “Chúng tôi sẽ đem tất cả những kỹ thuật cao nhất chúng tôi có chuyển giao cho Việt Nam để góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng chung cho cả hai nước”.
Ông Kim cho biết thêm, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ hỗ trợ DN hai nước trong hoạt động kiểm toán năng lượng; Hỗ trợ DN thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm; Hỗ trợ DN trong một số dự án đầu tư, hạng mục về tiết kiệm năng lượng… “Chính phủ Việt Nam sẽ có những hỗ trợ về kinh phí theo quy định, bố trí nhân lực để triển khai những dự án TKNL phối hợp với các DN Trung Quốc”, ông Kim khẳng định.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đã thực hiện hiệu quả những chính sách về TKNL. Trong 10 năm từ năm 1995-2005, Trung Quốc đã giảm 47% tiêu hao năng lượng GDP, tương đương với giảm 1.800 triệu tấn khí CO2. Từ năm 2005-2007, tốc độ tăng trưởng năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng ở Trung Quốc từ tăng chuyển sang giảm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng năm 2007 so với năm 2006 giảm 3,27%; Lượng khí CO2 giảm 3,14%...
|
|
|
Theo: Báo Kinh tế VN |