Ngày 1/8/2008, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã công bố quyết định chính thức về việc Công ty Điện lực 1 bàn giao Điện lực Hà Tây, Chi nhánh điện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc tỉnh Hoà Bình về Công ty Điện lực Hà Nội quản lý, điều hành lưới điện theo địa giới hành chính của thành phố Hà Nội mở rộng.
Sau khi tiếp nhận quyết định bàn giao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 5/8/2008, Công ty Điện lực Hà Nội đã tiến hành giao nhiệm vụ cho Điện lực Hà Tây và Chi nhánh điện Mê Linh, Chi nhánh điện Thạch Thất (có 3 xã của Hoà Bình nhập vào), Chi nhánh điện Quốc Oai (có 1 xã của Hoà Bình nhập vào). Đồng thời, sáp nhập Phân xưởng quản lý lưới điện 110 kV (Hà Tây) vào Xí nghiệp quản lý lưới điện 110 kV Hà Nội. Đối với Điện lực Hà Tây, sau khi sáp nhập về Công ty Điện lực Hà Nội, tên gọi vẫn như cũ. Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Điện lực Hà Tây được thực hiện theo chỉ tiêu, kế hoạch của Công ty Điện lực 1 giao trong năm 2008. Chi nhánh điện Mê Linh vẫn thực hiện công tác sản xuất, kinh doanh theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao của Điện lực Vĩnh Phúc. Chi nhánh điện Thạch Thất, Quốc Oai sẽ được Công ty Điện lực Hà Nội bổ sung chỉ tiêu kinh doanh điện năng vào những tháng còn lại của năm 2008. Phân xưởng quản lý lưới điện 110 kV Hà Tây hiện có 606,7 km đường dây 110 kV; 4 km cáp ngầm 110 kV; 7 trạm 110 kV. CBCNV của Phân xưởng chịu trách nhiệm quản lý, vận hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Xí nghiệp quản lý lưới điện 110 kV Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Trần Đức Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội cho biết: Cùng với niềm vui Hà Nội được mở rộng là những trăn trở, lo toan rất lớn của Công ty Điện lực Hà Nội. Đó là địa bàn rộng, hộ dân sử dụng điện thuộc vùng nông thôn tăng nhiều. Đặc biệt là hệ thống lưới điện hạ thế của Hà Tây cũ nát, nhiều trạm còn dùng các thiết bị cũ của Liên xô (cũ) và Trung Quốc, cách đây ba, bốn chục năm. Hiện tại, Hà Tây có khoảng 500 tổ chức bán điện sau công tơ tổng thuộc 300 xã. Đây thực sự là những khó khăn rất lớn đối với công tác quản lý, điều hành về sản xuất kinh doanh của Công ty. Bởi vì trên thực tế, để xoá bán tổng cho gần 200 xã của Hà Nội trước đây, đã phải thực hiện những dự án lớn từ năm 1997, sau 10 năm mới hoàn thành (2007). Trong khi đó, Hà Nội mở rộng còn tới 300 xã chưa thực hiện xoá bán tổng, hầu hết lưới điện tại các xã đã cũ, cần phải cải tạo lại. Theo chỉ đạo của EVN, từ nay đến dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Công ty Điện lực Hà Nội cần cố gắng thực hiện xong công tác xoá bán tổng trên địa bàn. Chính vì vậy, đây là một thử thách lớn đối với Công ty. Do đó, để xoá bán tổng và đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho khách hàng thuộc 300 xã này, theo tính toán, giá cả thời điểm hiện tại, vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện sẽ lên tới 1.500 tỷ đồng. Có thể nói, Công ty Điện lực Hà Nội đang đứng trước những khó khăn rất lớn khi Hà Nội được mở rộng. Hiện nay, với hơn 5000 CBCNV, Công ty Điện lực Hà Nội đã và đang cố gắng, bằng các biện pháp tích cực nhất, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các chỉ tiêu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao trong năm 2008.
Nhiều cuộc họp đã được tổ chức từ sau ngày 1/8/2008 tại Công ty Điện lực Hà Nội để bàn bạc về công tác quản lý, cung cấp điện, công tác đầu tư và các dự án về điện nông thôn… Tất cả các vấn đề đều được lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nội xem xét thấu đáo để lần lượt thực hiện, nhằm tới mục tiêu: Đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu về cung cấp cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng và các hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn Thủ đô mở rộng trong thời gian tới.
( Theo: EVN )