Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn để PVN có thể triển khai nhanh chóng việc xây dựng các nhà máy điện mới.
Theo PVN, hiện một số dự án điện có sự tham gia của các cổ đông ngoài PVN, nhất là Dự án thuỷ điện Luông Phrabăng đang giậm chân tại chỗ do các cổ đông không có tiền để góp vốn. Trong khi đó, với các ràng buộc về cơ cấu vốn góp trong dự án, một mình PVN sẽ khó lòng thực hiện được.
Để triển khai các dự án điện hiệu quả, nhanh chóng, PVN đề nghị Bộ Công Thương sớm có ý kiến thay đổi cơ cấu cổ đông của các dự án; trong đó cho phép PVN thành lập Công ty cổ phần để huy động vốn góp cho Dự án Luông Phrabăng.
Đối với dự án điện Vũng Áng 1, PVN đã đạt được thoả thuận về cơ cấu cổ đông. Theo đó, PVN nắm giữ 70% cổ phần, 30% còn lại là của Lilama và các cổ đông khác. PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương chấp thuận cơ cấu cổ đông tương tự với dự án Vũng Áng 2 để sớm triển khai.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết: Cơ chế góp vốn 50-50 trong các dự án xây dựng, nhất là các dự án điện sẽ không mang lại hiệu quả. Vì vậy, Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ về việc giao các dự án điện cho một chủ đầu tư để triển khai. Bộ Công Thương cũng cho rằng: Với thế mạnh tài chính, PVN cần quyết liệt triển khai các dự án điện hơn nữa.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, để đảm bảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện, Bộ cũng đang đề nghị với Chính phủ tách Công ty Mua bán điện ra khỏi EVN thành công ty độc lập. Khi đó, với giá mua bán điện do Chính phủ quyết định, các doanh nghiệp sản xuất điện năng sẽ bình đẳng trong kinh doanh.
Được biết, 8 tháng qua, sản lượng điện năng sản xuất của PVN đạt trên 2 tỷ kWh và sẽ đạt trên 4,7 tỷ kWh đến hết năm 2008. Từ nay đến cuối năm, PVN cũng sẽ đưa nhà máy điện Cà Mau vào hoạt động và tiếp tục khởi công nhà máy điện Nhơn Trạch 2./.
Nguyễn Kim Anh