Đường dây 220 kV mua điện Trung Quốc qua Lào Cai: Thêm 1 tỷ kWh/năm
Theo dự báo, miền Bắc sẽ thiếu điện năng giai đoạn 2004 - 2008 mỗi năm khoảng 1.000 MW, trong khi các công trình nguồn đang được triển khai nhưng do nhiều lý do lại khó lòng về đích như kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng phụ tải lớn dẫn đến vượt khả năng tải của cả hai đường dây 500 kV Bắc - Nam. Do vậy, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng các đường dây 220 kV mua điện từ Trung Quốc. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm cứu nguy năng lượng cho các tỉnh miền Bắc vào nửa cuối năm 2006 và các năm tiếp theo.
Ngày 26/9/2006 đã trở thành một mốc son lịch sử của ngành Điện lực Việt Nam: Đóng điện các đường dây 220 kV mua điện của Trung Quốc qua hướng Lào Cai. Đó là niềm tự hào không chỉ đối với mỗi CBCNV ngành Điện mà còn đối với những công nhân, kỹ sư của hàng trăm đơn vị tham gia xây dựng.
Các công trình liên quan đến dự án mua điện 220 kV Trung Quốc qua hướng Lào Cai bao gồm: Đường dây 220 kV Lào Cai - Hà Khẩu, đường dây 220 kV Yên Bái - Lào Cai, đường dây 220 kV Việt Trì - Yên Bái (mạch 2), trạm 220 kV Lào Cai và đấu nối, trạm 220 kV Vĩnh Yên và nhánh rẽ, lắp đặt tụ bù các TBA mua điện Trung Quốc. Tổng chiều dài các đường dây toàn dự án lên tới gần 300 km, đường dây đi qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Các công trình liên quan đến dự án trên đã đóng điện vượt tiến độ Chính phủ giao hơn 3 tháng, kịp thời cứu nguy cho các tỉnh, thành khu vực miền Bắc đang trong tình trạng thiếu điện, giải quyết hiệu quả vấn đề cắt điện luân phiên vào cuối hè năm 2006. Các công trình này đưa vào vận hành đảm bảo chất lượng, cung cấp điện kịp thời cho các tỉnh miền Bắc trong giai đoạn 2004-2010 và làm nhiệm vụ trao đổi điện năng, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn và nâng cao dự phòng cung cấp điện, đồng thời là nền tảng để kết nối lưới điện 220 kV, 500 kV với Trung Quốc trong các giai đoạn sau, góp phần tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Từ khi đóng điện đến nay, công suất truyền tải đường dây đạt trên dưới 100 MW, cấp điện cho các trạm 110 kV Việt Trì, Bắc Việt Trì, Lâm Thao, Bãi Bằng, Đồng Xuân qua máy biến áp AT2 trạm 220 kV Việt Trì; cấp điện cho trạm 110 kV Nghĩa Lộ qua trạm 220 kV Yên Bái. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị để cố gắng đóng tụ bù các trạm 220 kV Lào Cai, Việt Trì và Vĩnh Yên trong tháng 3/2007, khi đó công suất truyền tải sẽ được nâng lên 200 - 300 MW, điện năng truyền tải trung bình năm sẽ đạt trên 1 tỷ kWh. Những kết quả trên đây đã thể hiện sự chủ động, kiên quyết, sáng tạo và hiệu quả trong quản lý điều hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự nỗ lực phấn đấu hết mình của các đơn vị tham gia dự án, đồng thời thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành liên quan. Đồng thời là sự giúp đỡ tận tình có hiệu quả của chính quyền các địa phương, các cấp và nhân dân nơi có đường dây đi qua.
Các công trình mua điện của Trung Quốc qua hướng Lào Cai hoàn toàn do Việt Nam tự thiết kế, thi công, gia công chế tạo cột thép, dây dẫn..., Tự giám sát, nghiệm thu và đóng điện vận hành. Đường dây hoàn thành trong thời gian ngắn nhưng không có phát sinh tồn tại hay phá đi làm lại do sai thiết kế. Một điều đáng ghi nhận là sau dự án này, Việt Nam đã đào tạo được một đội ngũ thiết kế lưới điện có trình độ cao, tạo được sự chủ động trong quá trình hội nhập, cột thép, dây dẫn và dây chống sét được chế tạo trên công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Qua các công trình này, ngành Điện có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, lấy mục tiêu tiến độ do Chính phủ và Tập đoàn giao để điều hành, phối hợp chặt chẽ, quản lý dự án sâu sát, báo cáo và giao ban đều đặn và kịp thời, các Ban/ Văn phòng Tập đoàn chủ động tham mưu để phù hợp với điều kiện mới.
Trong giai đoạn tới, Điện lực Việt Nam đứng trước nhiều vận hội mới để phát triển, nhưng cũng sẽ đối mặt với những thử thách không nhỏ. Đó là, ngoài việc triển khai xây dựng nhiều các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, nhiều đường dây truyền tải điện cao áp và siêu cao áp cũng sẽ cần được gấp rút xây dựng. Hiện nay, EVN đang tiếp tục triển khai dự án mua điện 220 kV Trung Quốc theo hướng Hà Giang. Công tác dựng cột đã cơ bản hoàn thành và đang triển khai thi công kéo rải căng dây, dự kiến sẽ đóng điện vào cuối tháng 4/2007.