Màu áo cam của Bố

Bố tôi, ông Bế Ích Trực, sinh năm 1984 trong một gia đình ở miền quê Quảng Hòa, Cao Bằng. Từ nhỏ ông đã mơ ước tiếp nối nghề của ông nội tôi, đó là khoác lên mình màu áo cam để được đóng góp công sức vào dòng điện sáng cho Đất nước. Năm 2014, ông chính thức trở thành công nhân vận hành Nhà máy thủy điện Nà Tẩu, tỉnh Cao Bằng trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Bắc Minh. Sau hơn 8 năm gắn bó, phấn đấu, học hỏi, hiện nay Bố tôi đang là Trưởng ca vận hành tại NMTĐ Nà Tẩu.  

Nghề của Bố
Từ bé, ai hỏi tôi rằng: Sau lớn con làm ngành gì? Tôi trả lời ngay: Con sẽ làm ngành Điện. Mọi người cười nói rằng: Đàn ông làm ngành Điện đã rất vất vả, con gái có chịu được không? Nhưng từ sự yêu quý, ngưỡng mộ Bố, công việc của Bố, nơi Bố làm việc, tôi đã tự hứa sẽ cố gắng đạt được ước mơ của mình.
Trong ngành Điện, mỗi người sẽ làm những công việc khác nhau, mỗi cá nhân đều có những vất vả, khó khăn riêng. Bố tôi – một Trưởng ca vận hành giản dị tại một nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Có thể, mọi người nghĩ đó là công việc nhàm chán, khô khan. Nhưng với Bố tôi, mỗi con số, tủ điện, bảng điều khiển… lại luôn khiến ông cảm thấy thú vị. Tôi nhớ, có giai đoạn, ông thường xuyên thở dài và kể rằng cơ man nào là cây khô, xác động vật… theo dòng nước trôi về cửa nhận nước, làm giảm năng suất phát, mọi người phải thay phiên vớt rác. Nhưng nhờ sự kiên trì, tìm hiểu không ngừng, ông cùng đồng nghiệp đã chế tạo và lắp đặt thành công lưới chắn, vớt rác phụ cửa nhận nước. Dù khó hình dung hết, nhưng nhìn đốm lửa sáng rực trong mắt và nụ cười trên môi Bố tôi, tôi cũng cảm nhận ông tự hào về sự đoàn kết và sự sáng tạo của tập thể NMTĐ Nà Tẩu. 

Gia đình thứ hai của bố

Năm 2019, Cao Bằng bị ảnh hưởng nặng nề của lũ. Từ nhà máy, bố gọi về hỏi thăm tình hình và biết được mặc dù nhà ngập nhưng mẹ con tôi vẫn ổn, ông chỉ vội vã dặn dò tôi: Con giúp mẹ dọn nhà, bố còn trực ở nhà máy, ở đây cần bố hơn. Mẹ và chị em chúng tôi động viện ông yên tâm công tác. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rằng với bố, NMTĐ Nà Tẩu là ngôi nhà thứ hai của ông. Ở đó, mọi người không chỉ là đồng nghiệp mà còn là anh em. Tôi rất vinh dự khi đã được đến nơi bố tôi làm việc. Ở đó, các bác, các cô chú đều thân thiện, gần gũi. Dù là phòng làm việc, gian máy, phòng ngủ… đều gọn gàng, ngăn nắp. Hàng năm, Công ty và nhà máy luôn tặng nhiều quà cho chúng tôi vào các dịp Lễ, Tết… Ngoài ra, các kì nghỉ hè gia đình tôi được đi tham quan những địa danh nổi tiếng: Cát Bà, Đà Nẵng, Hội An… Tôi thầm cảm ơn nơi đó, nơi nuôi dưỡng đam mê của bố, tạo động lực cho ông được làm việc, được cống hiến hết mình.

Con em của CBCNV NMTĐ Nà Tẩu nhận quà ngày 1/6, Tết trung thu, đạt thành tích học tập tốt…
NMTĐ Nà Tẩu sạch đẹp, hiện đại, nơi bố tôi được sống, làm việc trong bình đẳng, yêu thương…

Người đàn ông của gia đình

Có những đợt nhà máy trung tu, sự cố hoặc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bố ở dài ngày hơn trong nhà máy, nhưng ông vẫn luôn hỏi han chúng tôi về sức khỏe, học hành, dặn dò giúp đỡ mẹ. Bố tôi là một người ham làm. Mỗi khi hết ca trực ở nhà máy, ông lại là người đàn ông của gia đình. Bố vào bếp, bố dọn nhà, bố dạy chúng tôi học. Bố tôi luôn tâm đắc câu nói: Lao động là vinh quang. Ngoài việc tiếp tục học hỏi thêm chuyên môn, bố tôi còn học các kĩ thuật nuôi cá, thủy hải sản để tăng thêm thu nhập của gia đình. Hàng năm, Gia đình tôi nuôi và đánh bắt xấp xỉ tấn cá để nhập cho các thương lái.

Ban lãnh đạo Công ty SBM chụp ảnh lưu niệm cùng CBCNV NMTĐ Nà Tẩu

Ước mơ nối nghiệp của bố

08 năm gắn bó cùng NMTĐ Nà Tẩu, bắt đầu từ giai đoạn nâng cấp, cải tạo khu nhà máy; đội ngũ cán bộ công nhân viên còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, gặp nhiều bỡ ngỡ khó khăn trong quá trình vận hành sản xuất; rồi xây dựng mới khu nhà điều hành… bố tôi thường hay nói: Theo nghề cần tận tâm với nghề, yêu nơi làm việc của mình, không chê khó, không ngại khổ, làm việc nhỏ rồi làm việc lớn. Được là một mảnh ghép của NMTĐ Nà Tẩu, là một thành viên của Gia đình Bắc Minh, bố tôi cảm thấy rất vinh hạnh. Tôi muốn viết lên dòng cảm xúc của mình về bố, tôi tự hào về bố, về những người đồng nghiệp của ông, những người rất bình dị giữa đời thường. Bố với bao nhiêu người thợ điện khác, dù ở đâu, làm ở vị trí nào đã xây dựng lên hình ảnh đẹp của người thợ điện Việt Nam hôm nay.

Nên sau này dù ai hỏi tôi rằng: Sau lớn con làm ngành gì? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Con sẽ làm ngành điện.